Với các đồi na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân có thu nhập tăng hơn so với trước đây.
Thay đổi nhận thức cho bà con
Mùa na năm nay, hơn 630 ha đồi na áp dụng kỹ thuật trồng VietGAP của huyện Chi Lăng cho sản lượng tăng gấp 15 – 20% so với sản xuất thông thường. Mã na đẹp, trái to, giá bán cũng tăng nhiều nhờ đó bà con nông dân cũng có thêm thu nhập.
Hiện toàn huyện Chi Lăng có 2.000 ha trồng na và toàn bộ theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chỉ hơn 1/3 diện tích này đang áp dụng kỹ thuật VietGAP. Theo ông Lương Thành Chung – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, nhờ tiêu chuẩn sản xuất mới nên các đồi na theo VietGAP có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu. “Do đó trong 3-5 năm tới, huyện sẽ áp dụng kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích hơn 2.000 ha”, ông Chung cho biết.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện cho biết, để bà con đồng thuận áp dụng mô hình trồng theo VietGAP cũng không hề dễ dàng. Từ năm 2013, huyện bắt đầu áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để sản xuất na đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2017, huyện áp dụng theo bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) 11892-1:2017 vào sản xuất na. Song thời gian đầu, quá trình này không diễn ra suôn sẻ.
Rào cản lớn nhất là nhận thức của bà con nông dân. Nhiều người đắn đo về hiệu quả khi sản xuất theo hướng VietGAP công sức bỏ ra nhiều hơn, làm thế nào để người tiêu dùng biết sản phẩm đạt tiêu chuẩn… Đây không chỉ là khó khăn riêng của người nông dân mà còn cả hợp tác xã và lãnh đạo huyện trong quá trình vận động bà con áp dụng quy trình trồng mới này. Ngoài ra với phương thức sản xuất mới, bà con còn phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về: loại phân bón, thời gian; loại thuốc bảo vệ thực vật và cách phun; lấy mẫu kiểm định đất, nước… Tất cả quy trình đều phải ghi chép rất cẩn thận, tỉ mỉ và theo dõi định kỳ.
“Điều này nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng an tâm. Một người dân áp dựng kỹ thuật chưa đầy đủ dẫn đến kết quả đạt được không như mong muốn khiến họ hoài nghi về lợi ích mà kỹ thuật này mang lại’, vị này chia sẻ.
Tình hình áp dụng từ năm 2020
Từ 2020 đến nay do tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, khâu vận chuyển (logistics) hạn chế ảnh hưởng đến việc tiêu thụ na của địa phương. Các thị trường chính như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… quá trình tiêu thụ na gặp khó khăn. Ngoài ra, việc Trung Quốc dừng thu mua cũng khiến sản lượng tiêu thụ và sức mua bị sụt giảm. Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân nghi ngại khi đầu tư trồng na theo hướng VietGAP bởi sự tốn kém nhưng không mang lại doanh thu như kỳ vọng.
“Do đó kế hoạch mở rộng 80-90% diện tích na trồng theo VietGAP chưa đạt được. Vướng mắc mấu chốt là các vườn bên cạnh chưa áp dụng quy trình kỹ thuật, gây ảnh hưởng tới vườn đã triển khai sản xuất theo chuẩn VietGAP”, ông Chung chia sẻ.
Để vận động bà con, thời gian qua UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các chuyên gia của đơn vị tư vấn để tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng trọt đầy đủ cho người nông dân, từ việc chuyển giao kỹ thuật như: chọn giống sạch sâu bệnh, cho đến đất trồng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Người dân được chỉ dẫn cách ghi chép sổ nhật ký sản xuất đến hoạt động phân tích các yếu tố về đất, nước, quả. Các chuyên gia trực tiếp thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình từ sản xuất đến thu hoạch và bảo quản để kịp thời phát hiện những vướng mắc trong quá trình sản xuất. Trên cơ sở đó, na của người nông dân phải đạt đầy đủ các yếu tố chỉ tiêu, tiêu chuẩn theo quy định thì mới được cấp chứng nhận cho diện tích và sản phẩm.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và UBND các xã thị trấn tuyên truyền hướng dẫn các hộ nông dân trong sản xuất để đảm bảo đúng quy trình, từ đó, duy trì chất lượng tốt cho na. Lãnh đạo huyện cũng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí để đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đó là “phải giữ gìn thương hiệu, sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn”. Thông qua tuyên truyền, tập huấn, bà con cũng nâng cao ý thức và tự giác thực hiện, bảo vệ thương hiệu của mình, tạo ra được sản phẩm na có tính ổn định, bền vững.
Hiệu quả tạo động lực cho nông dân
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện huyện Chi Lăng diện tích, năng suất, sản lượng na không ngừng tăng lên, trong chú trọng sản xuất na an toàn theo chuẩn VietGAP trong sản xuất. Năm 2021, sản lượng na ước đạt trên 19.000 tấn. Người dân đã biết cải thiện trọng lượng, chất lượng quả na, không còn nhiều na nhỏ trên cây, thay vì thu 2-3 gánh na nhỏ như trước đây, hiện tại nông dân chỉ cần thu về một gánh na to sản được sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá na đạt mức cao nhất là 60.000 đến 80.000 đồng/kg, trung bình từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg.
Nhờ đó, nhiều khách hàng ngoại tỉnh cũng tìm đến tận vườn để thu mua, thu nhập của nông dân được nâng cao và không tốn nhiều công sức như trước. Đây là động lực giúp bà con càng tin tưởng hơn về cách áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP trong việc trồng na.
Để nhận biết na Chi Lăng với các loại na khác, huyện cũng triển khai các tem nhãn, truy xuất nguồn gốc với từng hộ nông dân. Với sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, người tiêu dùng chỉ cần kiểm tra tem truy xuất là nắm được thông tin của hộ bán và tiêu chuẩn.
Kế hoạch sắp tới
Trong những năm tới, phòng Nông nghiệp huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm (VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm,…). Điều này tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường và phục vụ xuất khẩu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái theo hướng bền vững.
Cùng với phòng Nông nghiệp, hợp tác xã huyện Chi Lăng cũng duy trì, tuyên truyền, vận động bà con để đảm bảo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng đầu ra cũng như nguồn cung đến thị trường có yêu cầu khắt khe. Từ đó, tạo nên chuỗi liên kết bền vững cho hộ nông dân trong hợp tác xã.
Bà Nguyễn Thi Lý – Giám đốc Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng cho biết, để tiếp tục giữ vững giá trị cho sản phẩm với thương hiệu đã được cấp phép “Na Chi Lăng”, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật – công nghệ mới vào sản xuất gắn với đổi mới hình thức sản xuất. “Hợp tác xã sẽ chú trọng phát triển mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt; tăng cường công tác quản lý quy hoạch ngành, lĩnh vực đối với sản phẩm chủ lực này”, bà Lý nói.
Theo bà Lý, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP giúp cho người tiêu dùng và thị trường được hiểu rõ về sản phẩm hơn nhờ có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ quá trình sản xuất đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, người trực tiếp sản xuất và địa điểm sản xuất. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp để yên tâm sử dụng. Đây cũng là cách để sản xuất của bà con được ổn định, từng bước nâng cao giá trị cho sản phẩm na theo hướng bền vững, lâu dài.