Với tổng diện tích hơn 1.300ha, huyện Ba Vì là vùng trồng chè lớn nhất của Hà Nội. Trong đó, xã miền núi Ba Trại là vựa chè lớn nhất của huyện Ba Vì và là xã có truyền thống sản xuất chè lâu đời nhất huyện.
Những năm gần đây, nhờ trồng chè VietGAP, nhiều nông dân ở xã Ba Trại đã có thu nhập ổn định.
Trồng chè VietGAP: Năng suất gấp 3 lần
Anh Đinh Công Phu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại cho biết: Chè Ba Trại có hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác biệt. Cây chè đang trở thành cây trồng chính và là nguồn thu lớn nhất của người dân Ba Trại. Theo anh Phu, địa phương có truyền thống trồng chè đã từ lâu đời. Trước đây, người dân chủ yếu trồng chè trung du lá nhỏ – một giống chè bản địa cho năng suất thấp, chất lượng không ngon, giá bán lại bếp bênh.
Đến nay, Ba Trại có 9/9 thôn được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Cây chè là cây mang lại thu nhập chính cho nông dân xã Ba Trại. Nhờ vậy, năm 2017, Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, thu nhập bình quân của người dân Ba Trại đạt 41,75 triệu đồng/năm…
Đến năm 2013, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, nông dân Ba Trại đã chuyển đổi và thay thế dần giống chè cũ bằng giống chè LDP1 cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, những vườn chè sạch được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu ra đời. Nhờ sản xuất theo hướng VietGAP, việc trồng và chăm sóc chè đã giảm 90% lượng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường ngày càng trong lành. Ngoài ra, các hộ gia đình đẩy mạnh chuyển đổi, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao giá trị của cây chè.
Trên lưng chừng đồi, gia đình chị Đặng Thị Chanh (thôn 3, xã Ba Trại) đang tranh thủ thu hái lứa chè xuân. Từ tháng 12 âm lịch, gia đình chị bắt đầu đốn chè, tạo tán, sau đó dọn cỏ dại, bón phân, phun vôi lên cây để hạn chế mầm bệnh. Sau tết, trời nắng ấm cộng với có mưa nhỏ nên chè lên xanh tốt. Đến nay, sau 45 ngày, chè bắt đầu cho thu hoạch. Lứa chè đầu tiên bao giờ cũng thơm ngon hơn những lứa chè còn lại của năm.
Chị Chanh là một trong những hộ trồng chè đầu tiên ở xã Ba Trại. Hiện chị Chanh có 1 mẫu trồng chè VietGAP. Trung bình mỗi năm, chị thu hoạch từ 7 – 8 lứa chè. Từ trồng chè VietGAP, gia đình chị Chanh thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP thì giống chè mới cho năng suất cao gấp 3 lần so với giống cũ, chất lượng tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước đây, chè búp khô trung bình bán mức giá 70.000-80.000 đồng/kg thì nay bán được 200.000-250.000 đồng/kg” – chị Chanh cho biết.
Anh Nguyễn Văn Trung (xóm Đô) chuyển sang trồng chè VietGAP từ năm 2013. Toàn bộ 5 sào chè của gia đình được chăm sóc cẩn thận và ghi chép đầy đủ thời gian, ngày bón phân… Đặc biệt, chè được hái bằng tay theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non. Khâu chế biến chè cũng phải đảm bảo sạch sẽ. “Chè VietGAP được nhiều khách hàng biết đến, thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá bán cao hơn so với giống chè cũ. Vì vậy thu nhập của gia đình được nâng lên”- anh Trung phấn khởi.
Trồng chè VietGAP gắn với du lịch
Đến nay, toàn xã Ba Trại đã có hơn 40ha chè được cấp chứng nhận VietGAP. Để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UBND xã Ba Trại đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và chế biến chè Ba Trại, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về quy trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, đưa cơ giới hóa vào trồng chè an toàn và thay thế dần giống chè trung du lá nhỏ, đã già cỗi.
Để theo dõi quy trình trồng chè VietGAP, xã đã làm sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình trồng chè, kiểm soát chặt chẽ từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc BVTV. Hàng tháng, cán bộ xã, cán bộ Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đều xuống các xóm để kiểm tra quy trình sản xuất.
Chủ tịch Hội Nông dân Ba Trại Đinh Công Phu nhấn mạnh: “Đã sản xuất chè sạch VietGAP thì phải sản xuất sạch theo đúng nghĩa. Tất cả các khâu phải sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, có như thế mới phát triển được thương hiệu chè Ba Trại và bay xa hơn được”.